Lan tỏa nhận thức về bình đẳng giới
Dự án GIE được nhóm sinh viên triển khai dưới sự bảo trợ chuyên môn của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED). Với mong muốn góp phần xóa bỏ định kiến giới vốn ăn sâu trong ngành khai khoáng, dự án hướng đến thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của phụ nữ, nhấn mạnh tiềm năng và bản lĩnh của họ trong các lĩnh vực kỹ thuật, sản xuất nặng.
Thông qua đa dạng hình thức truyền thông như bài viết, tranh truyện ngắn, sản phẩm podcast, và các buổi tập huấn trực tuyến, GIE kể lại câu chuyện đời thực của những nữ lao động đang ngày ngày vượt qua rào cản để khẳng định vị thế của mình trong ngành nghề vốn được cho là “không dành cho phụ nữ”. Đây không chỉ là những mẩu chuyện truyền cảm hứng, mà còn là bằng chứng sống động phản ánh sự cần thiết phải đổi mới tư duy xã hội về giới và nghề nghiệp.Online Workshop “DIGEQUAL: Khi truyền thông thắp lửa bình đẳng giới”
Một điểm nhấn quan trọng của dự án là online workshop “DIGEQUAL: Khi truyền thông thắp lửa bình đẳng giới” là sân chơi dành cho các bạn trẻ, những nhà truyền thông tiềm năng trong tương lai có cơ hội được khám phá chỗ đứng của truyền thông trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại lĩnh vực khai khoáng.
Sự kiện kết hợp giữa tọa đàm chuyên đề và phần thi sáng tạo nội dung truyền thông, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ vận dụng kỹ năng chuyên môn vào các chiến dịch truyền thông cộng đồng, từ đó nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động thiết thực vì mục tiêu bình đẳng giới.
Podcast “Bình đẳng hay Bình phong”
Song song với sự kiện Workshop, dự án còn triển khai chuỗi podcast mang tên “Bình đẳng hay Bình phong”, khai thác những lát cắt ít được đề cập trong ngành khai khoáng dưới góc nhìn giới. Với lối thể hiện gần gũi, mỗi tập phát sóng là một câu chuyện chân thực từ nữ công nhân, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp – góp phần lan tỏa nhận thức và truyền cảm hứng hành động tới cộng đồng trẻ.
Sự dấn thân của thế hệ truyền thông trẻ
Dự án GIE không chỉ là một sáng kiến về bình đẳng giới, mà còn là bài học thực tế cho thế hệ truyền thông trẻ về cách sử dụng ngòi bút và công nghệ để thúc đẩy công bằng xã hội. Trong quá trình triển khai, các bạn trẻ không ngừng tìm tòi, học hỏi và thử nghiệm các hình thức truyền thông mới nhằm đưa thông điệp bình đẳng giới đến gần hơn với công chúng, nhất là giới trẻ và những người lao động trong ngành khai khoáng. Từng bài viết, tranh truyện, buổi tọa đàm hay podcast đều là kết quả của sự lao động nghiêm túc, sáng tạo và trách nhiệm xã hội.
Hơn cả một dự án truyền thông, GIE đã trở thành một môi trường học tập thực tế, nơi các bạn sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, thấu hiểu sâu sắc hơn về vai trò xã hội của truyền thông hiện đại. Thông qua việc chủ động nghiên cứu, phản biện và sáng tạo, thế hệ truyền thông trẻ hôm nay đang từng bước chứng minh rằng: truyền thông không chỉ là phản ánh thực trạng, mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ để thay đổi nhận thức và thúc đẩy công bằng xã hội một cách bền vững.
Chia sẻ về hành trình tổ chức dự án, Yến Phương, Trưởng ban tổ chức sự kiện Online Workshop “DIGEQUAL: Khi truyền thông thắp lửa bình đẳng giới”, xúc động cho biết: “Chúng mình muốn mang đến cho các bạn trẻ có đam mê với truyền thông một cái nhìn đúng đắn hơn về bình đẳng giới, để khi làm truyền thông, các bạn không vướng phải những 'sạn giới' vốn rất dễ mắc phải.”
Yến Phương cũng bày tỏ niềm vui và bất ngờ khi sự kiện nhận được sự quan tâm từ nhiều sinh viên không chỉ trong lĩnh vực truyền thông mà còn từ các ngành học khác: “Mình cảm thấy rất vui vì không chỉ các bạn yêu thích truyền thông tham gia, mà còn có cả các bạn đến từ những lĩnh vực như mỏ địa chất, tài chính, kinh tế,... Điều đó cho thấy sức lan tỏa của thông điệp bình đẳng giới đã vượt ra ngoài khuôn khổ chuyên môn ban đầu.”
Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức, nhưng với những nỗ lực bền bỉ ngay từ những bước đi đầu tiên, nhóm sinh viên thực hiện dự án GIE đã và đang truyền đi thông điệp mạnh mẽ: bình đẳng giới trong khai khoáng không phải là điều xa vời, mà là mục tiêu có thể đạt được nếu có đủ sự chung tay, dấn thân và sáng tạo không ngừng từ thế hệ trẻ.
Những tin cũ hơn