Kế hoạch xác định rõ các nhiệm vụ, thời hạn, tiến độ và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đồng thời yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan. Mục tiêu là xây dựng lộ trình cụ thể để Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản hướng dẫn được triển khai thống nhất, hiệu lực và hiệu quả.
Trong đó, nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách được nhấn mạnh. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đảm bảo phù hợp với Luật Di sản văn hóa, hoàn thành trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, trước ngày 15/4/2025, Bộ này phải xây dựng và ban hành hai nghị định quan trọng: một nghị định về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản phi vật thể; và một nghị định quy định thẩm quyền, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, dự án liên quan đến di tích, bảo tàng công lập.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về Luật Di sản văn hóa cũng là trọng tâm. Nội dung luật và các văn bản hướng dẫn sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, cùng các hình thức phù hợp để người dân dễ tiếp cận. Các hoạt động tập huấn chuyên sâu, biên soạn tài liệu và phối hợp với Bộ Tư pháp cập nhật trên Cổng Thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật quốc gia (http://pbgdpl.gov.vn) cũng được triển khai.
Các cơ quan chủ trì gồm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan báo chí, truyền thông lớn như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Ngoài ra, các nhiệm vụ quản lý nhà nước theo Luật Di sản văn hóa sẽ được rà soát và thực hiện theo lĩnh vực, địa bàn phân công. Kinh phí triển khai kế hoạch được lấy từ dự toán chi thường xuyên hằng năm của các bộ, ngành, địa phương theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước./.
Tác giả: Lan Anh
Nguồn tin: https://thanhtravietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn